Nuôi giun quế, ai cũng làm được

nuôi giun- 2

Nuôi giun quế ở Nghệ An – một tấm gương làm kinh tế giỏi để mọi người có thể tham khảo và áp dụng vào mô hình thực tế của nhà mình.

Mới rồi huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An tổ chức tuần lễ giao lưu với các điển hình làm kinh tế giỏi. Đây là cuộc sinh hoạt thường kỳ của Hội làm vườn.
Gặp tôi, ông Hoà là cán bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và cũng là thành viên của Hội làm vườn nói: Hội làm vườn của huyện đang có nhiều mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả kinh tế cao như nuôi lươn, nuôi ếch, ba ba, gà, vịt… và giun quế. Đây là những mô hình rất thiết thực, vậy đề nghị anh đi với Hội để viết bài tuyên truyền cho bà con nông dân cùng học tập.

Đúng như ông Hoà đã nói, huyện Nghĩa Đàn là đơn vị đang có nhiều phong trào làm kinh tế giỏi. Trong đó Hội làm vườn là tổ chức xã hội đã có công lớn trong việc nhân rộng các mô hình. Trong chuyến đi này tôi thấy nuôi giun quế là mô hình đơn giản, vốn ít nhưng hiệu ích kinh tế cao và nông dân ai cũng làm được. Thế nhưng thật đáng tiếc vì mô hình này chưa được nhân ra diện rộng. Ông Thái Khắc Công năm nay đã 70 tuổi, là Chủ tịch Hội làm vườn xã Nghĩa Bình, quả quyết nói: Muốn phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn thì điều trước tiên tôi khuyên mọi người hãy nuôi giun quế.

Vừa nói ông Công vừa đưa mấy bản phô tô từ một bài báo đã đăng trên chuyên mục “Mỗi tuần một nghề” của báo NNVN ra giới thiệu: Đây là tài liệu khoa học đầu tiên mà tôi đã áp dụng thành công vào thực tế. Bởi theo tôi đã là dân nông thôn thì ai cũng phải nuôi trâu, nuôi bò. Nhà nào quá nghèo không có tiền thì nên vay vốn ngân hàng để nuôi, đầu tiên chỉ cần một con thôi là đủ điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì ngoài sự phát triển của trâu, bò thì phân của chúng là điều kiện đầu tiên để cung cấp nguồn thức ăn cho giun quế. Về kỹ thuật nuôi giun quế, ông Công cho biết sách báo nói nhiều cách nhưng theo ông biện pháp giản đơn nhất là xây bể.

Bể xây đơn giản, có thể dùng gạch vỡ hoặc tự đóng táp lô có chiều dài và rộng tuỳ theo điều kiện của từng nhà, còn chiều cao thì phải xây từ 50- 70 cm, dưới đáy chỉ cần láng một lớp vữa 1 cm. Trước khi thả giun giống ta rải ở đáy bể một lớp phân hoai mục 70% và 30% đất màu trộn đều có độ dày 5-7 cm. Phía trên bể phải che chắn thường xuyên, vì giun thích nghi với môi trường bóng tối, có độ ẩm từ 75-80%, nhiệt độ từ 20- 28 độ. Để có được độ ẩm và nhiệt độ thích hợp này, mỗi ngày ta nên tưới phun 2 lần nước vào bể nuôi.

Cách thả giun giống theo ông Công biện pháp tốt nhất là thả sinh khối. Khi đi mua giống ta lấy lớp phân có độ sâu cách bề mặt của bể 15- 20 cm. Vì lớp phân này chứa 10- 20% giun, còn lại là 80-90% kén giun và phân giun. Khi mua khối sinh khối giun này về ta thả nguyên chúng vào đáy bể nuôi giun của mình. Đến 2 ngày sau ta mới cung cấp nguồn thức ăn cho chúng, bằng cách lấy phân trâu, phân bò tươi rải lên bề mặt của bể nuôi, với độ dày từ 8- 10 cm/một lần cho ăn. Tuy nhiên lớp thức ăn này không phủ kín hết bề mặt bể nuôi, mà cần phải tạo độ thông thoáng cho giun hô hấp. Quan sát bề mặt bể nuôi khi thấy lớp phân đã tơi xốp thì ta tiếp tục cung cấp thức ăn mới cho chúng.

Cách khai thác giun để làm thức ăn cho gia cầm và thuỷ sản ở gia đình ông Công cũng rất đơn giản. Mỗi ngày ông mang một cái chậu nhôm to rồi lấy lớp sinh khối của giun cho vào (lớp sinh khối có độ sâu cách bề mặt của bể 15-20 cm). Chỉ cần chờ một lúc là tất cả giun đã chui hết xuống đáy chậu. Lấy giun xong ta lại thả lớp sinh khối ấy vào vị trí cũ của bể nuôi, vì trong đó đang chứa tới gần 80% kén giun.

Nói về tính hiệu quả của giun quế, ông Công cho biết: Sau khi nuôi được giun quế, tôi đã nuôi 100 con gà, 50 con ngan và một bể nuôi lươn. Hàng ngày tôi chỉ khai thác giun một lần rồi cho các vật nuôi ăn bổ sung kèm với thức ăn rau, cám. Ấy vậy mà các vật nuôi của gia đình tôi như gà, ngan và lươn đều có tốc độ tăng trọng nhanh gấp hơn 2 lần so với các con vật không được ăn giun quế.

Cũng bởi vậy mà trong thời gian này nhiều hộ dân trong vùng, kể cả nông dân ở huyện Như Xuân, Thanh Hoá đã đến nhà ông Công để mua giun giống với giá 20.000đ/kg sinh khối. Hiện ông Công đang tiến hành xây thêm nhiều bể nuôi giun nữa để cung cấp giống cho nông dân.

Nguồn: giunquebavi.com

Tham khảo thêm:

> Cách lựa chọn giống giun quế tốt

 

Bạn là người đầu tiên đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *