Nuôi Giun quế trong chuỗi nông sản xuất nghiệp sạch

Quy trinh nuoi giun que

Với nhiều đặc điểm quý, giun quế (trùn quế) có thể tham gia làm một thành phần tích cực trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường và có thể triển khai dễ dàng ở mọi địa bàn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, trung du miền núi.

 

Giun quế và rác thải hữu cơ ở nông thôn

Mỗi ngày có hàng trăm ngàn tấn rác hữu cơ như phân trâu bò gà lợn, phế thải rau củ quả, cây thân thảo,… được thải ra ở các vùng nông thôn Việt Nam, gây áp lực lớn lên môi trường. Đó cũng là sự lãng phí rất lớn, bởi phần nhiều số rác thải đó có thể tái sử dụng, vừa có giá trị vật chất, vừa giảm sự phân hủy tạo thành những chất gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ nói riêng về đại gia súc, nhiều xã miền núi nước ta có tới hàng nghìn trâu bò, lượng phân và chất thải tạo ra mỗi ngày lên tới hàng chục tấn, phần lớn bỏ phí, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan. Chỉ một phần chất thải trong chuồng được sử dụng hầu như trực tiếp làm phân bón, hiệu quả không cao. Phân các loại gia súc khác và gia cầm (lợn, gà, vịt…) không được xử lý trước khi đưa vào trồng trọt tạo ra các sản phẩm xấu, hay gây thất thu.

Xây dựng các cơ sở tái chế rác thải hữu cơ ở vùng nông thôn không phải là việc đơn giản. Trong khi đó, ngành chăn nuôi rất cần prôtêin đểsản xuất thức ăn vàchủ yếu sử dụng bột cá (phần lớn là NK) cho mục đích này. Tuy nhiên, có một khả năng tái sử dụng với hiệu quả cao các chất thải hữu cơ như vậy, bằng cách áp dụng công nghệ enzym phân hủy chất thải để làm thức ăn nuôi giun quế, sau đó dùng giun quế làm nguồn prôtêin gốc động vật bổ sung thức ăn chăn nuôi. Phân giun quế và mùn bã sau quá trình nuôi giun là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt. Đây là mô hình đòi hỏi đầu tư rất thấp, có thể mở rộng từ từ, phù hợp với cả các hộ nghèo nông thôn; sản xuất bền vững, sạch, thân thiện với môi trường.

Sơ lược về giun quế

Giun quế (Perionyx excavatus) là động vật thuộc ngành giun đốt, thường sống trong môi trường giàu mùn bã hữu cơ vùng nhiệt đới. Thân giun hơi dẹt, màu từ đỏ đến nâu sẫm, hai đầu hơi nhọn. Cá thể trưởng thành dài khoảng 10-15cm, bề ngang thân 1-2 mm. Thân giun gồm nhiều đốt, trên mỗi đốt có vành tơ. Giun có thể di chuyển khá nhanh, thậm chí có thể bò lên các bức tường thấp nhờ co duỗi các đốt kết hợp với lông tơ bám vào đất. Đây là đặc điểm cần lưu ý khi xây dựng công trình nuôi, tránh giun thoát ra ngoài.

Giun rất nhạy cảm, phản ứng mạnh với ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn và độ ẩm. Nhiệt độ thích hợp nhất nằm trong khoảng 20 – 300C; phổ pH khá rộng, từ 4 – 9, thích hợp nhất là 7,0 – 7,5, nếu pH quá thấp, chúng sẽ bỏ đi. Ởnhiệt độ khoảng 300C, pH và độ ẩm thích hợp, thức ăn giàu dinh dường, giun sinh trưởng và sinh sản rất nhanh. Ở nhiệt độ thấp dưới 150C, giun giảm dần đến ngừng hoạt động, nhiệt độ quá thấp có thể chết. Nhiệt độ quá cao giun cũng bò đi hoặc chết. Khi bị chiếu sáng, giun chui xuống lớp đất dưới để ẩn nấp. Đây là đặc điểm giúp thu hoạch giun hoặc các sản phẩm phân giun, sinh khối rất dễ dàng.

Giun quế hô hấp qua da, có khả năng hấp thụ ôxy cả trong môi trường nước, do đó giun có thể sống lâu dài trong nước, thậm chí lên tới vài tháng. Giun quế thích nghi với phổ thức ăn khá rộng, gồm bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy trong tự nhiên (rác đang phân hủy, phân gia súc, gia cầm…).

Giun ăn thức ăn qua lỗ miệng, lượng tiêu thụ thức ăn hằng ngày khoảng bằng trọng lượng cơ thể. Trong ống tiêu hóa của giun có nhiều vi khuẩn cộng sinh. Khi thải ra ngoài cơ thể, phân giun chứa rất nhiều vi sinh vật cộng sinh tồn tại dưới dạng kén dinh dưỡng một thời gian dài. Đó là lý do vì sao phân giun có hàm lượng dinh dưỡng cao và có tác dụng cải tạo đất tốt hơn các loại phân hữu cơ phân hủy khác.

Phân giun còn chứa các khoáng chất cây trồng có thể hấp thụ trực tiếp, không như những loại phân hữu cơ khác phải được phân hủy trong đất trước khi cây hấp thụ. Hơn nữa, phân giun không có mùi hôi thối như các loại phân gia súc, gia cầm, có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển. Indol Acetic Acid (IAA) có trong phân giun là chất kích thích hữu hiệu, giúp cây trồng tăng trưởng tốt, có thể ngăn ngừa các bệnh về rễ và nhiều bệnh khác của cây trồng.

Hiện nay, phân giun quế thường được sử dụng để kích thích sự nẩy mầm và phát triển của cây trồng; điều hòa dinh dưỡng và cải tạo đất, làm cho đất luôn màu mỡ và tơi xốp; dùng bón lót cho cây và rau quả; làm phân bón lá hảo hạng và có khả năng kiểm soát sâu bọ hại cây trồng được thị trường rất ưa chuộng.

Hàm lượng protein thô chiếm 70% trọng lượng thịt giun khô, tương đương với bột cá chất lượng cao, thường dùng trong thức ăn chăn nuôi. Giun còn hội đủ 12 loại axit amin, giàu vitamin, chất khoáng cần thiết cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, giun còn có các loại kích thích tố sinh trưởng tự nhiên mà trong bột cá không có. Thức ăn chăn nuôi có bột giun sẽ không có mùi tanh và khét của cá và dầu cá, rất hấp dẫn vật nuôi, lại bảo quản được lâu hơn thức ăn có dùng bột cá.

Theo W.T. Mason (Đại học Florida – Mỹ), thịt giun, nhất là giun tươi, là thức ăn lý tưởng để nuôi thủy sản, sản xuất con giống ba ba, rùa, lươn, tôm, cá chình. Với cá tầm, nếu cho ăn giun tươi hằng ngày bằng 10 – 15% trọng lượng cơ thể, tốc độ sinh trưởng sẽ tăng từ 15 đến 40%, năng suất trứng tăng trên 10%. Nếu trộn 2 – 3% bột giun vào thức ăn, năng suất nuôi cá tăng 30%, giá thành thức ăn giảm 40% – 60%, đồng thời tăng sức sinh sản và sức kháng bệnh của tôm cá.

Thịt giun quế còn chứa trên 8% axit glutamic, kích thích sự bắt mồi, vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, đẻ khỏe, ít bệnh tật và sẽ cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Vì vậy ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột giun vào thành phần thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hiện nay, ở Việt Nam, giun quế thường được nuôi kết hợp ở các hộ gia đình chăn nuôi, nhất là nuôi gia cầm, để tận dụng chất thải hữu cơ và sử dụng giun trực tiếp làm thức ăn chăn nuôi; người nuôi ít được tư vấn kỹ thuật, không tạo ra sản phẩm quy mô lớn. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những cơ sở nuôi giun quế công nghiệp, đưa ra thị trường những sản phẩm như giun tươi và đông lạnh, bột giun khô, dịch giun, phân giun, v.v…

Mô hình nuôi giun quế liên hoàn

Với nhiều đặc điểm quý, giun quế có thể tham gia làm một thành phần tích cực trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường và có thể triển khai dễ dàng ở mọi địa bàn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, trung du miền núi, nơi người dân bị hạn chế về vốn đầu tư và khả năng tiếp cận các nguồn sinh kế.

Ở nông thôn miền núi, nơi đồng bào dân tộc có truyền thống chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, việc nuôi và sử dụng giun quế sẽ góp phần tích cực nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập, đồng thời cải tạo chất lượng môi trường, iết góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

 

Có thể nuôi giun quế theo nhiều hình thức, từ nuôi trong khay, chậu ở những nơi đất đai hạn hẹp, cho đến nuôi ngoài cánh đồng. Mô hình nuôi giun đỏ quy mô lớn nhưng dễ quản lý, chăm sóc và thu hoạch là nuôi trong bể xây xen canh trong vườn cây ăn quả, cây dây leo (bầu, bí, gấc), hoặc cây lâu năm khác (cao su, cà phê, …) vừa tiết kiệm đất, giảm chi phí đầu tư xây dựng đến 90%, vừa tiết kiệm phân bón cây. Dưới tán cây, độ ẩm ổn định là môi trường lý tưởng cho giun; ngược lại, cây trồng tận dụng được nguồn phân giun nên phát triển tốt. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, 2 tháng sau khi thả giống có thể bắt đầu thu hoạch theo chu kỳ hằng tháng, năng suất trung bình có thể đạt 3kg/m2 mỗi kỳ (30 tấn/ha).

Cho đến nay, thức ăn của giun quế chủ yếu là phân các loài ăn cỏ như trâu bò, ngựa, dê, cừu, thỏ… Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tạo ra các enzym thích hợp để xử lý hầu như mọi loại chất thải hữu cơ khác như phân lợn, gà, vịt, rau, củ quả hỏng,… làm thức ăn nuôi giun. Trên cơ sở đó, đã xây dựng nhiều mô hình nuôi giun khác nhau ở miền bắc và vùng Tây Nguyên, như nuôi vịt, cá kết hợp giun đỏ ở Hưng Yên, trồng cây ăn quả, nuôi giun và nuôi cá ở Hà Nội, nuôi cá tầm kết hợp nuôi giun đỏ ở Kon Tum, Đà Lạt, v.v…

Nuôi giun quế sẽ có hiệu quả cao nhất nếu được đặt trong một chuỗi sản xuất liên hoàn: chăn nuôi – nuôi giun – trồng cây (cây công nghiệp, ăn quả hoặc hoa, rau sạch) – nuôi thủy sản (cá, tôm, ba ba, v.v…). Trong đó, giun đỏ vừa là tác nhân xử lý và tận dụng chất thải của chăn nuôi, vừa là nguồn cung thức ăn cao cấp cho chăn nuôi và trồng cây. Với quy mô đủ lớn, sản phẩm chế biến từ giun đỏ rất được thị trường tiêu thụ đón nhận.

Bạn là người đầu tiên đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *